Đây là một con số đáng báo động nếu không muốn nói là khủng khiếp vì con người đang quá tham lam trong việc đánh bắt thủy sản, trong khi lại để lãng phí một lượng lớn thực phẩm quý giá như vậy.
Theo báo cáo định kỳ 6 tháng về tình trạng thủy sản thế giới của Quỹ nông lâm Liên Hợp Quốc (FAO), sản lượng cá toàn cầu đang đạt ở mức kỷ lục nhờ ngành ngư nghiệp phát triển, đặc biệt tại Trung Quốc, nơi chiếm hơn một nửa số cá tiêu thụ trên thế giới từ nuôi trồng thủy sản.
Tuy nhiên, con người đang lãng phí tới 35% lượng cá đánh bắt, trong khi quần thể cá đang suy giảm nghiêm trọng do đánh bắt quá mức.
Ước tính cứ 3 con cá bị đánh bắt thì có 1 con không được chế biến và làm thức ăn cho con người. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này nhưng phần lớn do sự thiếu kiến thức và trang thiết bị trong việc bảo quản và ướp lạnh cá, dẫn tới việc thải bỏ một số lượng cá không hề nhỏ. Ngoài ra, những con cá không đạt chuẩn kích thước cũng bị thải loại một cách không thương tiếc.
Ngược lại số lượng cá đánh bắt tự nhiên hầu như không thay đổi kể từ cuối những năm 1980 tới nay. Thậm chí FAO cảnh báo, 1/3 số lượng cá tự nhiên đang bị đánh bắt quá mức và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo dự báo của FAO, số lượng các trang trại nuôi cá sẽ tiếp tục mở rộng và số lượng cá tiêu thụ dự kiến sẽ tăng thêm 20% vào năm 2030 nhằm cân bằng với số lượng dân số ngày càng tăng. Tuy nhiên việc nuôi cá có thể gây ảnh hưởng tới quần thể cá tự nhiên vì thức ăn của nhiều loại cá nuôi hiện nay được lấy từ cá mòi hay cá cơm sống trong tự nhiên. Nếu cá nuôi không thể ăn hết, số thức ăn trên có thể là nguồn rác thải chính gây ô nhiễm đại dương.
Nuôi trồng thủy sản không đủ để bù đắp cho số lượng cá tự nhiên bị đánh bắt quá mức
Dữ liệu của FAO trong năm 2016 cho thấy, thủy sản nuôi trồng hiện chiếm tới 53% lượng cá tiêu thụ trên thế giới. Trong khi đó, đánh bắt cá đang chiếm tới 2/3 giá trị của ngành ngư nghiệp với doanh thu 274 tỷ USD từ việc bán cá ngay tại bến cảng. Ước tính có khoảng 60 triệu người và 4,6 triệu tàu đang hoạt động ngư nghiệp trên toàn cầu.
Cá là nguồn cung cấp dinh dưỡng quan trọng cho hàng tỷ người trên thế giới. Ước tính 3,2 tỷ người đang phụ thuộc vào khoảng 20% protein lấy từ cá. Đặc biệt tính tới nay, lượng tiêu thụ cá/người đã tăng lên trung bình 20,2kg/người, cao hơn gấp nhiều lần so với con số 9kg/người hồi năm 1961.
Cứ theo đà này, lượng cá nuôi trồng sẽ chẳng thể nào bù đắp cho số lượng quần thể cá trong đại dương ngày càng thiếu hụt do con người săn bắt quá mức
Mặc dù vậy, con người đã quá tham lam khi đánh bắt không ngừng nghỉ dẫn tới tình trạng cạn kiệt quần thể cá. Theo báo cáo có khoảng 2/3 số loài cá đã bị đánh bắt quá mức ở vùng Địa Trung Hải, Biển Đen và Đông Nam Thái Bình Dương.
Nhiều phân tích trước đây chỉ ra, trữ lượng cá tự nhiên đang giảm mạnh gấp nhiều lần so với dữ liệu của FAO. Nguy hiểm hơn khi một nửa số cá đại dương hiện nay đang bị khai thác trên quy mô công nghiệp.
Báo cáo của FAO cũng chỉ ra, biến đổi khí hậu sẽ thay đổi môi trường sinh sống của quần thể cá dẫn tới suy giảm nguồn lợi thủy sản. Khi nước biển ấm lên, cá sẽ di chuyển ra khỏi những vùng biển nhiệt đới ấm áp, nơi đa số các quốc gia đều phụ thuộc vào hải sản và di chuyển tới vùng ôn đới.
José Graziano da Silva, Tổng giám đốc FAO cho biết: "Từ năm 1961, mức tăng trưởng toàn cầu hàng năm về tiêu thụ cá đã tăng gấp đôi so với mức tăng dân số. Điều này cho thấy ngành thủy sản là yếu tố quan trọng trong việc đáp ứng mục tiêu của FAO về một thế giới không còn nạn đói và suy dinh dưỡng".
Nhưng vẫn còn đó rất nhiều thách thức mà FAO và các nước phải đối mặt, đó là tình trạng khai thác bất hợp pháp hoặc khai thác theo kiểu tận diệt, gây hủy hoại nguồn thực phẩm quý giá của toàn nhân loại.
Manuel Barange, giám đốc bộ phận thủy sản và nuôi trồng thủy sản của FAO cho biết: "Có quá nhiều áp lực đối với tài nguyên biển và chúng tôi cần nhiều hơn cam kết từ các chính phủ để cải thiện tình trạng nghề cá. Chúng tôi dự đoán rằng, Châu Phi sẽ sớm phải nhập khẩu cá trong tương lai". Barange tin rằng, khi nguồn cá khan hiếm sẽ xảy ra tình trạng chênh lệch giá bán dẫn tới sự mất bình đẳng trong xã hội.
Nếu muốn duy trì món quà tự nhiên này, các quốc gia cần phải sớm vào cuộc ngay từ lúc này.